Doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng gỡ khó 5 lĩnh vực
Chính sách, thị trường, công nghệ, tín dụng và thị trường vốn, nhân lực, cải cách hành chính là 5 lĩnh vực được ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam nêu ra trong bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.
Sáng nay (29/4), tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ đã có cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp.
Các kiến nghị được chia làm 10 nhóm vấn đề về Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các thủ tục đăng ký kinh doanh; thuế, hải quan; vấn đề vốn, tiếp cận vốn, giao thông vận tải, phí và lệ phí...
Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ cần quan tâm đến giải pháp trong 5 lĩnh vực: Chính sách, thị trường , công nghệ, tín dụng và thị trường vốn, nhân lực, cải cách hành chính.
Cụ thể, về chính sách, cần tiếp tục có những biện pháp miễn giảm, gia hạn thuế cho doanh nghiệp do thực tế các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn những khó khăn. Nhà nước cần các chính sách đẩy mạnh hoạt động của các quỹ tín dụng nhà nước, những chính sách làm thay đổi môi trường đầu tư, môi trường liên quan đến sản xuất, kinh doanh.
Về thị trường, theo ông Hiểu, cần đặc biệt chú ý đến việc xúc tiến thương mại bao gồm quảng bá, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp ra nước ngoài và đẩy mạnh việc sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Để mở rộng xúc tiến thương mại, vị Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần kết hợp với các doanh nghiệp lớn, đã có kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại để thúc đẩy xúc tiến thương mại theo một hệ thống.
Về công nghệ, cần tiếp nhận chuyển giao, tìm kiếm mua công nghệ nước ngoài, Nhà nước cần định hướng cho doanh nghiệp cũng như có sự kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp lớn để đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh.
Về tín dụng và thị trường vốn, đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, vốn là điều kiện tiên quyết của doanh nghiệp do đó nhà nước nên khuyến khích tích tụ vốn của doanh nghiệp thông qua thuế, các khoản tín dụng của doanh nghiệp như nợ công của Chính phủ cho doanh nghiệp, khoán thuế VAT thành một khoản tín dụng.
“Các chính sách tín dụng cần giảm bớt các điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn. Thị trường vốn cũng sẽ được nâng cao nếu nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ huy động thông qua việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu”, ông Hiểu đề xuất.
Về nguồn lực, vị này cho rằng, thời gian hội nhập sắp tới, Việt Nam sẽ phải đối diện với tình tạng “chảy máu nguồn nhân lực”, trong khi lại rất khó tiếp cận và thuê nguồn nhân lực từ nước ngoài, nguyên nhân do sự khác biệt về ngôn ngữ.
Vì vậy, theo ông, nhu cầu bồi dưỡng tiếng Anh không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả đội ngũ cán bộ nhà nước là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cần đào tạo nhân lực tại chỗ từ nhóm FDI…
Cuối cùng, về thủ tục hành chính, ông Hiểu cho biết, cần tiếp tục đẩu mạnh cải cách hành chính đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan.
TÂM AN
(Nguồn www.baomoi.com)