Để Năm Doanh nghiệp 2014 trở nên đúng nghĩa và thực chất: Doanh nhân Trẻ Đà Nẵng đồng lòng ký “Tâm Thư” gửi lãnh đạo TP (Bài 2)
Nhằm chuẩn bị đầy đủ ý kiến đề xuất với lãnh đạo TP Đà Nẵng liên quan đến các nội dung triển khai “Năm Doanh nghiệp” 2014, chiều ngày 4/1/2014, Hội Doanh nhân (DN) Trẻ TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Thư gửi Lãnh đạo TP nhân năm Doanh nghiệp 2014”.
“Giải” sớm nợ đọng XDCB !
Tôi cho rằng nhiều doanh nghiệp đang sống dở chết dở do nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB). Với hơn 3.000 tỷ đồng, TP Đà Nẵng chúng ta hiện nằm trong Top có dư nợ (chưa thanh toán) trong lĩnh vực XDCB đối với doanh nghiệp chuyên ngành (kéo theo doanh nghiệp phụ trợ) lớn nhất nước. Nhiều doanh nghiệp vừa qua cũng như hiện tại đình trệ hoạt động, chỉ lo đòi nợ chứ không dám nhận công trình dự án mới – ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu Khí Toàn cầu lên tiếng.
Để tháo gỡ bớt, ông Huy cho rằng, cần ưu tiên thanh toán hết nợ khối lượng XDCB trong các năm qua, cân nhắc kỹ lưỡng trong quyết định đầu tư công trình mới. Đối với các công trình từ kênh vốn TƯ, do các Bộ-Ngành TƯ đầu tư trên địa bàn, tình trạng nợ đọng thanh toán kéo dài làm doanh nghiệp điêu đứng. Chính quyền TP cần có tiếng nói “thúc giục” Bộ-Ngành TƯ sớm trả nợ, giúp doanh nghiệp có vốn để hoạt động tiếp.
Ngoài ra số nợ này cần chuyển sang nợ công để các doanh nghiệp xây dựng, nếu phải đi vay vốn để thi công trước đó, sẽ đỡ chịu lãi suất thương mại.
Rộng đường cho liên kết – liên danh – hợp tác
Theo ông Nguyễn Doãn Đông - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng Hưng Phú -, đa phần doanh nghiệp xây dựng của Đà Nẵng đều ở quy mô nhỏ, do vậy không thể tham gia đấu thầu các công trình lớn dù là công trình ngay trên địa bàn TP, tức trên sân nhà. Cuối cùng, chấp nhận đi làm thuê lại cho đơn vị khác; chủ yếu là để có việc làm cho người lao động và phát huy tài sản, trang thiết bị có được. Lợi nhuận gần như rất thấp.
Tình hình này cho thấy, sắp đến, đối với các công trình lớn trên địa bàn TP, cần phân nhỏ các gói thầu theo hạng mục, tạo điều kiện để doanh nghiệp TP tham gia đấu thầu, trúng thầu và thi công công trình cho chính TP mình.
“Tôi đề nghị chúng ta đẩy mạnh liên kết – liên danh – hợp tác; một doanh nghiệp thì không đủ năng lực, nhưng 2 hoặc 3 doanh nghiệp đứng tên chung trong một liên danh, thì tình hình sẽ phải khác. Nhân đây, sẽ đưa vào “Thư gửi Lãnh đạo TP nhân năm Doanh nghiệp 2014”, kiến nghị về việc tổ chức đấu thầu thi công xây dựng (kể cả trong cung ứng thiết bị hay dịch vụ) đối với các công trình trên địa bàn Đà Nẵng: Từ nay đơn vị mời thầu phải gửi thư mời thầu đến Hội DN Trẻ TP biết và thông báo rộng rãi để doanh nghiệp hội viên nắm bắt cơ hội, chủ động tham gia hoặc liên danh, liên kết tham gia - ông Lê Văn Hiểu nói dứt khoát.
Bên cạnh đó, theo tôi, TP chúng ta còn có nhiều sự kiện ; cũng như hoạt động mua sắm trang bị (trong đầu tư công); hạng mục hay công việc gì mà các doanh nghiệp TP đủ sức làm thì ưu tiên dành cho “đơn vị nhà”. Tôi cho rằng, để TP đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì không thể không tạo ra môi trường kinh doanh, sản xuất, cung ứng dịch vụ tốt cho chính doanh nghiệp của TP mình – ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thạch Bàn Miền Trung, Phó Chủ tịch Hội DN Trẻ TP Đà Nẵng - phát biểu thẳng thắn.
Và khi đã có những điều kiện tốt như tôi vừa đề cập, thì lúc này các Ngân hàng cũng phải vào cuộc, giúp doanh nghiệp chúng tôi tăng thêm năng lực tài chính để tham gia đấu thầu các công trình, dự án trên địa bàn. Chính quyền – Ngân hàng – Doanh nghiệp cũng giống như các tuyến, các thành phần trong một đội bóng đá. Nếu muốn thắng, thì từ tiền đạo, tiền vệ đến hàng phòng thủ đều phải đồng tâm hiệp lực nhịp nhàng, biết “bọc lót”, biết chớp thời cơ phát động tấn công đúng lúc cho nhau.
Các dự án đầu tư công trên địa bàn TP cần đẩy mạnh tính công khai, minh bạch và “dành chỗ” nhất định cho doanh nghiệp Nhỏ và Vừa của TP tham gia – ông Trương Phước Ánh tiếp lời. Không phải doanh nghiệp TP yếu đến mức không thể tham gia các dự án đó mà vấn đề là chưa có và chưa được tạo cơ hội.
Tôn trọng Doanh nghiệp–DN không gì hơn là Nói đi đôi với Làm
Giới quản lý nhà nước hay nhìn Doanh nghiệp – DN không phải là đối tượng mà mình phải phục vụ, hỗ trợ để giúp họ phát triển ; hoặc nhìn một cách giản đơn đây là những người làm ra một vật gì đó, một đồ dùng, loại sản phẩm gì đó, hoặc là người bán buôn một mặt hàng gì gì đó, để cuối cùng là thu về lợi nhuận. Chính điều này dẫn đến sự đối xử, phân biệt và thường là chậm chạp thay đổi chính sách phù hợp. Phải nhìn Doanh nghiệp – DN ở góc độ là Người là Tổ chức “làm ra một giá trị cho xã hội, phục vụ cho cả cộng đồng”. Có vậy mới khích lệ sáng tạo, nuôi dưỡng sự tận tâm, và hướng kinh doanh, làm ăn một cách chân chính – TS.Nguyễn Xuân Lãn – Phó Khoa Quản trị Kinh doanh (ĐH Kinh tế Đà Nẵng) chỉ ra một vấn đề mang tính nhận thức, quan điểm.
Theo TS. Đoàn Gia Dũng, nhân Năm Doanh nghiệp 2014, TP cần có hình thức vinh danh DN và Doanh nghiệp, và để có vinh danh, khen thưởng thì phải thực hiện nghiêm túc việc đánh giá đi đến xếp hạng doanh nghiệp.Còn theo ông Nguyễn Hữu Huy, nhân Năm Doanh nghiệp 2014, cần có những Giải thưởng theo từng tiêu chí chuyên biệt đối với DN và Doanh nghiệp. Chẳng hạn Doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách ; Doanh nghiệp giải quyết được việc làm cho nhiều lao động (hoặc Doanh nghiệp có ý thức cao trong bảo vệ môi trường ; Doanh nghiệp làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo). Tạo dựng nên một hay nhiều Thương hiệu cho TP chúng ta đều có phần đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì vậy, phải có hình thức vinh danh-khen thưởng xứng đáng !
“Năm 2013, cũng như những năm trước đó, TP chúng ta mở rất nhiều hội thảo chuyên đề bàn sâu về định hướng phát triển của TP; các diễn đàn này đều có sự xuất hiện của nhiều Giáo sư, Chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế. Tầm nhìn về một Đà Nẵng 20 năm nữa, 30, 50 năm nữa đã được các Giáo sư, Chuyên gia đầu ngành này chỉ rõ ra là như thế nào ? Tuy nhiên, ai sẽ hiện thực tầm nhìn đó vào thực tiễn, tạo nên một diện mạo của Đà Nẵng 20, 30 và 50 năm sau ?.
Tôi cho rằng, không thể thiếu vai trò của cộng đồng DN – Doanh nghiệp; vậy lại phải hỏi, những năm qua và hôm nay, cơ quan có thẩm quyền, lãnh đạo TP đã có bao nhiêu lần gặp gỡ, đối thoại, nghe và trả lời trực tiếp hoặc trả lời ngay sau đó các kiến nghị, đề xuất của DN – Doanh nghiệp ?. Thực lòng, nhiều DN–Doanh nghiệp đã mệt mỏi và giảm sút niềm tin vào lời hứa của các cấp lãnh đạo- bà Nguyễn Thị Kim Nữ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thiên Kim – bức xúc nói. Đơn cử như hôm bão vừa rồi, doanh nghiệp tôi nhận được yêu cầu thống kê và báo cáo thiệt hại do bão để có hỗ trợ. Nhưng gửi báo cáo đi rồi có thấy hỗ trợ gì đâu !.
Cũng phàn nàn về việc chậm trễ trong trả lời, trong phản hồi đề đạt, yêu cầu của doanh nghiệp; theo đại diện một doanh nghiệp ngành Xây dựng, sau khi nộp đầy đủ gần 9 tỷ đồng, để nhận quyền sử dụng đất, mở rộng quy mô sản xuất- hoạt động; đến nay, đã 3 năm, doanh nghiệp này vẫn chưa được nhận đất trên thực địa. Doanh nghiệp cũng đã kiến nghị có thể giao một diện tích đất tương đương để doanh nghiệp (có thể) chuyển nhượng lại quyền sử dụng (đất) nhằm thu hồi lại vốn. Tuy nhiên, nhiều lần đề xuất, kiến nghị bằng văn bản, đến nay, doanh nghiệp này chưa hề nhận được hồi âm !.
Tôi cho rằng không thừa khi phải nói lại, thậm chí nói đi, nói lại nhiều lần rằng: Hãy dành mọi điều tốt nhất có thể ; mọi phương tiện tốt nhất có thể ; mọi cách tốt nhất có thể ; mọi nơi có thể ; mọi khi có thể với mọi DN-mọi Doanh nghiệp có thể và cho đến khi nào lãnh đạo-cán bộ, công chức còn có thể dành mọi điều tốt nhất cho doanh nghiệp và DN – ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch HHDQT Công ty Cơ khí Hà Giang, Phước Tường “thốt lên thất điều có thể” thì nên “có thể” ngay để “có thể” lấy lại niềm tin của DN !.
Được biết, lãnh đạo Hội DN Trẻ TP thành phố cũng quyết định (lần đầu tiên) mở Giải thưởng vinh danh và khen thưởng xứng đáng cho 10 cán bộ-công chức tiêu biểu có đóng góp xuất sắc vì sự phát triển của doanh nghiệp trong Năm Doanh nghiệp 2014.
Phải là Năm Doanh nghiệp đúng nghĩa !
Ông Nguyễn Hồng Sơn kiến nghị: Để Năm Doanh nghiệp 2014 thành công cả trong chủ trương lẫn trong thực tiễn, tinh thần Năm Doanh nghiệp 2014 do Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đề ra phải đi vào kế hoạch của từng Sở - Ban – Ngành – UBND các Quận huyện, vì đây là những tổ chức “cọ xát” trực tiếp với doanh nghiệp và DN. Và phải công khai những nội dung của Năm Doanh nghiệp ở Sở, ban, Ngành, Quận, Huyện này lên Trang Thông tin điện tử của đơn vị mình để doanh nghiệp-DN biết, giám sát, kiểm tra. Sợ nhất là Năm Doanh nghiệp 2014 chỉ “động” ở cấp Lãnh đạo TP.
Còn Niềm tin thì còn Hy vọng vào đổi thay và Ngày mai phải khác với Hôm nay !
Trong nội dung Thư gửi lãnh đạo TP, chúng ta sẽ mạnh dạn đưa vào nhiều nội dung; từ đề nghị khôi phục lại “Cuộc thi ý tưởng Kinh doanh sáng tạo” dành cho SV chuyên ngành Kinh tế, kể từ 2014; thực hiện giãn Thuế cho doanh nghiệp ; kiến nghị khi thực hiện hoàn thuế, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện hoàn thuế thì Chính quyền hay Cục Thuế TP có hình thức bảo lãnh ngay hoặc thông báo cho Ngân hàng Thương mại (mà doanh nghiệp đó mở tài khoản/giao dịch) biết rằng: Doanh nghiệp này đã đủ điều kiện hoàn thuế, chỉ chờ thủ tục. Thông báo này có tác dụng như một bảo lãnh tín dụng để doanh nghiệp được giải ngân, có thể vay vốn tái đầu tư …; cho đến, một kiến nghị mang tính tâm thư “Ngừng tham gia vào Tham nhũng ! Nếu có !”– Chủ tịch Hội DN Trẻ TP, ông Lê Văn Hiểu khẳng định rạch ròi những quyết tâm đề đạt cùng Lãnh đạo TP.
Tôi rất đồng tình với ý kiến này, nhưng cần bổ sung thêm: Triệt để chống lợi ích cục bộ, lợi ích Nhóm làm tổn hại đến doanh nghiệp – Nhà báo Phương Hồng, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh & Truyền hình Đà Nẵng, nay là Tổng Thư ký Hội DN Cựu chiến binh TP bày tỏ.
Đúng là phải ngăn chặn hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận, một nhóm cục bộ – ông Nguyễn Hồng Sơn lên tiếng ủng hộ - Vì chính hành vi này đã kéo chỉ số năng lực cạnh tranh của TP chúng ta đi xuống. Trong điều tra, thu thập được của VCCI, có doanh nghiệp khi được hỏi “Đầu tư vào Đà Nẵng có phải bỏ ra chi phí không chính thức?”, câu trả lời là CÓ. Vậy thì vẫn có, vẫn còn nhũng nhiễu. Mà đã còn cái này thì chính nó là rào cản rất lớn cho doanh nghiệp.
Trước luồng ý kiến cũng khá gay gắt: Liệu 2014 có lặp lại như 2004 – Năm từng dược chọn là Năm Doanh nghiệp nhưng rồi DN và Doanh nghiệp không hề thấy động thái gì “Vì và Cho” Doanh nghiệp; với tư cách Chủ tịch hội DN Trẻ TP. ông Lê Văn Hiểu cũng bộc bạch chân tình:
Tuy nhiên, chính mỗi doanh nghiệp, mỗi DN chúng ta ngồi đây phải quyết tâm tự vận động một cách quyết liệt hơn và dù tình huống có khó khăn đến đâu cũng phải duy trì, nuôi dưỡng niềm tin. Bởi, chỉ tính trong thời gian gần đây, Chính phủ-các Bộ, Ngành Tư và Lãnh đạo TP đã-đang thể hiện ; cũng như, sẽ tiếp tục có những động thái rất cụ thể để đồng hành, tiếp sức cho Doanh nghiệp. Và do vậy, vấn đề là chúng ta có giữ được niềm tin hay không để nhìn về phía trước.
Ông Lê Trường Kỹ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DINCO – chia sẻ thêm: Phải đến lúc, doanh nghiệp Đà Nẵng nghĩ đến tầm nhìn xa hơn, thoát ra vị trí thấp kém của người làm thuê, nhận gia công. Để làm được điều này, doanh nghiệp Đà Nẵng phải chú trọng đến nguồn lực trẻ ngay khi các em còn ngồi trên ghế giảng đường. Ngay hôm nay, cũng chưa muộn để chúng ta cùng nhau dựng một Vườn ươm tạo doanh nghiệp-DN của ngày mai. Doanh nghiệp Đà Nẵng phải thể hiện bản lĩnh, sức mạnh khi tạo ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao; chứ không chỉ là đi làm thuê, đi nhận việc lại. Mà điều này thì hoàn toàn có thể đặt trọn vẹn niềm tin, gửi gắm hết tâm huyết hôm nay vào thành công tương lai, bởi các em Sinh viên Đà Nẵng chúng ta ngày nay rất giỏi, thông minh, giàu sáng tạo. Các ý tưởng của các em đang chờ cộng đồng DN chúng ta đón nhận và đưa vào Vươn ươm, nuôi dưỡng, phát triển!.
Rất tâm đắc với những chia sẻ này, ông Phan Hải lưu ý thêm rằng: “Doanh nghiệp chúng ta vừa phản biện với những bất cập, không phù hợp của cơ chế, chính sách ; vừa phải nâng tầm nhìn và sửa soạn tâm thế. Bởi không còn bao lâu nữa, những vấn đề của hội nhập kinh tế sẽ đi vào ngay và tác động rất rõ vào thực tiễn hoạt động của chính mỗi doanh nghiệp chúng ta”.
Đúng là không còn nhiều thời gian và nếu chính từng doanh nghiệp của TP chúng ta không sẵn sàng đón nhận, thích nghi với các yêu cầu của hội nhập, thì lúc đó, cho dù Nhà nước, Chính quyền TP có tạo ra thêm môi trường, sẵn sàng đưa ra thêm nhiều cơ chế hấp dẫn; doanh nghiệp chúng ta vẫn có khả năng thua ngay trên sân nhà.
Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, trong năm 2013, nhiều DN, nhất là DN nhỏ chưa thực sự coi trọng tái cấu trúc nên đã bị bật khỏi thị trường do sức ép của cạnh tranh. Và tình trạng này có thể sẽ diễn ra nặng nề hơn khi nước ta đang trong quá trình tham gia đàm phán nhiều hiệp định lớn, trong đó có Hiệp định TPP với sự tham gia của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Vì vậy, vấn đề tái cấu trúc đặt ra không chỉ với các DN đang gặp khó khăn, DN nhỏ mà cả đối với các DN lớn trong mục tiêu phát triển bền vững.
Ở đây cũng cần nhắc tới “sức mạnh” của các DN FDI. Theo TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn, Chuyên trách lĩnh vực Kinh tế (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), thì các DN FDI có nhiều lợi thế nhưng điều đáng chú ý nhất là khả năng quản trị và thích ứng với môi trường kinh doanh của khối DN này tốt hơn DN Việt Nam rất nhiều.
(Nguồn ictdanang.vn)